Lung linh Mường Lò: Cùng “say” trong điệu Xòe

A1

Hướng về Mường Lò

Cả tháng nay, trên khắp các trang mạng xã hội Facebook, các hội, nhóm người Thái sôi nổi những chia sẻ về niềm vui, hạnh phúc khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh và sắp tổ chức Lễ đón nhận Bằng tại Yên Bái.

Sôi nổi nhất là Nhóm người Thái tại Hà Nội. Được biết, nhóm đã đăng kí hơn 400 người Thái từ khắp các tỉnh thành trong cả nước và sẽ đi theo nhóm về Nghĩa Lộ tham dự sự kiện. Trong đó, còn có nhiều người Thái sinh sống ở nước bạn Thái Lan và Lào về tham dự.

Còn với chúng tôi, hơn 5 giờ di chuyển từ Hà Nội bằng xe khách lên Nghĩa Lộ, trong suốt cuộc hành trình trên xe, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện sôi nổi từ những khách đi trên xe về hội Xòe, về sự kiện này.

Một vị khách khoe, vợ và cả mẹ vợ anh được chọn vào tham gia màn đại Xòe. Cả nửa tháng nay, hai mẹ con đều đi tập luyện ở sân vận động, không bỏ một buổi nào. Theo anh, đó là niềm tự hào mà không phải ai cũng có được, bởi ai cũng muốn đóng góp vào sự thành công của sự kiện, cũng là một cách để thể hiện tình yêu, niềm tự hào về điệu Xòe.

Nghĩa Lộ những ngày này rực rỡ cờ hoa, người dân, đặc biệt là đồng bào Thái hân hoan đón ngày khai hội. Có thể nói, ở khắp các ngõ phố, đâu đâu cũng có tiếng trống, tiếng nhạc Xòe. Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Mông, Dao, Thái, Cao Lan… tại Không gian trưng bày văn hóa các dân tộc. Hàng trăm khung ảnh, tư liệu, báo viết về dân tộc và tôn giáo, các mô hình, hiện vật… được trưng bày phục vụ Nhân dân và du khách.

Từ đầu giờ chiều, trước giờ diễn ra Lễ đón nhận Bằng ghi danh, khắp các ngả đường từ khắp các sườn núi ở các huyện, các xã lân cận, từng đoàn người, với những bộ quần áo truyền thống đẹp nhất hướng về sân vận động thị xã Nghĩa Lộ. Lòng chảo Mường Lò rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc. Có người thốt lên “cả Tây Bắc đều hội tụ về Nghĩa Lộ”.

Ông Đặng Nho Vượng, người Dao đỏ đến từ xã Đại Sơn, huyện Văn Yên bày tỏ, ông rất vinh dự được chứng kiến sự kiện văn hóa quy mô và đặc sắc này. Đây là dịp để những người dân tộc Dao ở Đại Sơn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt hơn.

Trong suốt những ngày diễn ra sự kiện, ở khắp các địa bàn Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Thành phố Yên Bái, Trạm Tấu…đều diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa như: Hoạt động biểu diễn đường phố (có sự tham gia của các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên); trưng bày và triển làm ảnh “Nghệ thuật Xòe Thái”; Festival dù lượn Mù Cang Chải; Đêm tiệc trà và Lễ tôn vinh chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng….

Thị xã Nghĩa Lộ rực rỡ sắc màu, sôi động với các hoạt động diễn diễu đường phố, cờ hoa, tiếng trống, tiếng khèn, tiếng nhạc. Điều đặc biệt, vấn đề an ninh được Nghĩa Lộ đảm bảo, tất cả những con phố đi bộ không có xe tự do qua lại; các hàng quán không bày bán tràn lan ngoài đường; không có người ăn xin, không có tình trạng chèo kéo khách;.. Tất cả đều mang cho mình tâm thế vui nhất, với những bộ quần áo đẹp nhất để cùng vui hội sự kiện.

Đặc biệt, thị xã lắp đặt 6 màn hình LED cỡ lớn, phục vụ du khách phía ngoài Sân vận động để xem truyền hình trực tiếp Lễ đón nhận và khai mạc. Tại mỗi điểm thị xã cũng bố trí và tổ chức các đội múa Xòe, để du khách có thể hòa chung niềm vui với những điệu Xòe đắm say lòng người khi tới Mường Lò – Nghĩa Lộ. Đúng như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh đã từng nói, đảm bảo ai cũng được vui hội Xòe.

Đặc biệt, để lan tỏa thông tin về sự kiện đến người dân cả nước, các phóng viên, nhà báo về đưa tin, truyền thông cho sự kiện được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã đón tiếp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phóng viên hoàn thành nhiệm vụ như: bố trí riêng phòng Nghiệp vụ báo chí tại Trung tâm Văn hóa và Thông tin huyện, và tại tầng 2 sân vận động (nơi diễn ra màn đại Xòe); bố trí xe đưa đón; thông tin vị trí tác nghiệp tốt nhất cho phóng viên; tạo nhóm Zalo “Tác nghiệp Xòe Thái” để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác nhất cho nhóm phóng viên…