Nghệ thuật thưởng trà của người Việt

Nghệ thuật thưởng trà của người Việt

Ở các nền văn hóa Trà như Trung Quốc, nghệ thuật thưởng trà nhằm mục đích thưởng ngoạn, thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi, đối ẩm, hàn huyên tâm sự cùng tri kỷ. Với Nhật Bản, nghệ thuật thưởng trà chú trọng nhiều về nghi lễ, quy tắc. Nghệ thuật thưởng trà ở Việt Nam mang bản sắc riêng, phong thái dân dã, mộc mạc, hòa đồng phản ánh đầy đủ nét văn hóa người Việt. 

Hái trà
Hái trà vào thời điểm nào? Hái như thế nào để có trà ngon là cả một kho kinh nghiệm được dân tộc ta tích lũy từ ngàn xưa.

Trà Ô Long - Những điều cần biết về Ô Long?

Theo kinh nghiệm dân gian, hái trà phải hái trước khi trời sáng, khi sương còn đọng, nên hái vào những ngày quang đãng, vì qua một đêm bao nhiêu tinh túy của trời, đất đọng trên lá trà sẽ được trà hấp thụ khi mặt trời chưa hút hết những giọt sương còn đọng trên lá.

Khi hái, phải dùng móng tay để ngắt trà, không dùng ngón tay, bởi ngón tay đụng vào vào lá trà, hương vị trà sẽ bị nhiễm chất.

Theo Vũ Thế Ngọc, những lá trà còn lông măng, cong như lưỡi chim sẻ hoặc còn búp mầm là tốt nhất, đọt trà với một lá là lý tưởng nhất, hai lá là thứ nhì, hơn nữa, là ra tạp phẩm.

Trà ở những cây mọc hoang ngon hơn trà vườn, trà ở những cành chính tốt hơn ở những cành phụ, lá trà còn quấn chặt ngon hơn lá trà nở bung.

Để thật sự có sản phẩm trà ngon, việc hái trà đóng vai trò quan trọng trong các bước của thưởng trà. 
Thời kỳ phong kiến Trung Quốc, tương truyền có loại trà Trinh nữ, đặc biệt được hái bởi những cô gái đồng trinh vào đầu mùa xuân, khi cây chè vừa ra lá trà non.

Trước khi hái trà, các trinh nữ phải được tắm bằng nước ấm chảy từ khe núi xuống cùng với các dược liệu và mắc quần áo rộng buộc túm lại ống để ướp “trà”.

Trà được hái bằng miệng, bỏ vào trong quần áo và được lấy ra vào ngày hôm sau.

Quan niệm cho rằng, lá trà ngấm bằng nước bọt trinh nữ, lại tiếp tục được ướp bởi nhiệt độ và mồ hôi trên cơ thể các trinh nữ sẽ có hương vị đặc biệt thơm ngon.

Việc pha trà cũng rất cầu kỳ, nước pha trà phải được lấy từ nước tuyết tan được cất giữ lâu năm, hương vị trà nồng đượm và thanh nhã.

Quả là thú chơi xa xỉ của giới thượng lưu cũng lắm công phu. 
Ngày nay, trà được sản xuất công nghiệp, nên việc hái trà không quá tuân thủ theo những nguyên tắc nghiêm ngặt như thời kỳ phong kiến.

Búp trà vẫn là nguyên tắc quan trọng trong quá trình chế biến, vì vậy hái trà khi còn búp, còn loại bánh tẻ, không già quá hoặc non quá, trà sẽ không ngon. Hái trà phải đúng kỹ thuật, theo nguyên tắc cân đối hái đi và chừa lại, tạo cho cây trà tăng năng suất búp, sinh trưởng khỏe. 

Pha trà
Đã chọn được trà, việc pha trà là bước quyết định để có nước trà ngon. Do đặc thù riêng, mỗi quốc gia lại có cách pha chế và cách thưởng trà khác nhau. Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói gọn trong câu “nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
Hiểu đơn giản, nhất thủy là nước. Nước đóng vai trò quan trọng trong khâu pha trà, ấm trà có ngon hay không, có đặc biệt hay không phụ thuộc nhiều vào nước dùng để pha trà, nhiệt độ đun nước. Nước pha trà ở núi tốt nhất, nước sông thứ nhì, nước giếng thứ ba.

Ở các vùng núi, nước lấy từ các khúc suối chảy chậm, các thạch hồ hoặc các nhũ thạch trong sơn động là loại nước thượng hạng nhất.

Theo kinh nghiệm dân gian ở cùng đồng bằng, để pha trà ngon và thanh, người thưởng trà thường sử dụng nước pha trà là loại nước mưa tinh khiết, nước sương đọng trên lá sen được đựng trong những bình đất, đây cũng là một giá trị trong văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người Việt, hòa hợp với tự nhiên. 

Nhiệt độ sôi của nước cũng ảnh hưởng đến chất lượng bình trà,

nước đun có bọt lớn vỡ như mắt cá và vỡ thành tiếng là nước sôi ở giai đoạn thứ nhất,

ở thành nồi nước nổi lên thành từng hàng bọt nhỏ như chuỗi ngọc trai là nước sôi ở giai đoạn thứ hai, khi bọt sủi lên tiếp và nước reo như sóng là giai đoạn chót, đó là cực độ của nước. 
Độ sôi của nước tùy theo mỗi loại trà khác nhau, trà tươi chỉ đến nước sủi tăm, trà khô cần nước sôi già hơn.

Nếu nước chưa đủ độ sôi, trà không phai. Nước sôi quá làm trà bị chai và khê, nồng, màu đậm mất ngon.

Kinh nghiệm khi pha trà, nước thường đun đến giai đoạn sôi cực độ của nước (100 độ C), đợi nước nguội bớt xuống còn khoảng 85 độ C mới dùng để pha. 
Nhì trà là gì? Đó chính là chọn trà.

Chọn trà là bước quan trọng trong quy trình pha trà, mỗi cách uống trà khác nhau sẽ có cách chọn trà riêng, người Việt thường sống trà tươi, trà khô. 
Trà tươi: thường chọn trà sạch, không dùng hóa chất, lá trà phải tươi, có màu xanh sậm, không bóng, lá nhỏ, đều màu sẽ cho vị trà đậm vừa phải, ngọt dịu và thơm. Không nên chọn lá quá già, lá dập nấu nước sẽ bị chát và màu nước không đẹp. 

Bạch Trà 1 Tôm
Bạch Trà 1 Tôm

Lá trà tươi và cọng trà được rửa sạch, vò lá trà bằng tay để làm dập lá, cọng bẻ nhỏ, nước đun sôi, cho cọng và lá chè vào đun khoảng 15 phút là lá chè ra chất và có màu vàng xanh.

Có nhiều cùng, cho lá trà và cọng trà vào ấm, thêm vài lát gừng mỏng, đun nước sôi lần hai, đậy kín ấm, hãm trà trong khoảng 15-20 phút là đã có bát nước trà xanh sóng sánh, thơm nhẹ mùi gừng.

Người nông dân sáng sớm ra đồng không thể thiếu bát nước trà tươi vừa giúp giải nhiệt, vừa tỉnh táo.

Nước trà tươi được cho là loại thức uống cổ nhất của nhân loại, là loại nước uống bình dân của mọi người, thể hiện tính cộng đồng, mang đậm tính dân dã của văn hóa nông nghiệp Việt Nam. 
Trà khô: Việc chọn trà khô phải chọn trà sạch và ngon, cần lưu ý chọn các thương hiệu trà nổi tiếng như trà Thái Nguyên, trà Shan Tuyết, trà Tân Cương, trà Mộc Châu,..

Trà ngon là trà búp với số lá non nhiều hơn lá già, búp trà xanh khi được sấy khô còn nguyên búp, không bị vỡ nát, cánh trà khô, nhỏ, có mùi thơm nhẹ, dễ chịu từ hương thiên nhiên, hương thơm nồng đậm thường là loại trà tẩm hương nhân tạo. 
Từ xưa, người Việt đã có kinh nghiệm tẩm ướp trà với các loại hoa như hoa sen, nhài, ngâu,… để có hương tự nhiên.

Ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường các loại trà như trà sen, trà nhài, trà ngâu,.. được bày bán khắp nơi theo kiểu sản xuất công nghiệp.

Nhớ lại ngày xưa, cách chuẩn bị trà cực kỳ công phu, đặc biệt là trà sen, chỉ có những nhà giàu có, những khách phong lưu mới được thưởng thức loại thức uống trưởng giả này.

Trong thưởng trà, thường chú ý đến bình pha trà, nhưng bình đựng trà cũng rất quan trọng, trà ngon thường được đựng trong bình đất nung để giữ được hương vị trà, không bị khô mốc. 
Để có một ấm trà sen thơm ngon, khoảng bốn, năm giờ chiều sen chưa khép cánh, người thưởng trà tìm những búp sen sắp nở, vừa hé miệng, nhẹ nhàng vạch miệng hoa cho vào một vốc trà trong lòng hoa (phải là trà móc câu cánh nhỏ), lấy dây rơm buộc nhẹ, thường ướp khoảng 4 búp sen là dùng đủ trong khoảng 2 ngày.

Sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, chèo thuyền ra cắt búp sen đã ủ trà từ tối hôm qua và gom nước sương đọng trên lá sen cho vào ấm để pha trà.

Trà Sen thật sự đẳng cấp, là cả một sự tinh túy mà ông cha ta đã đúc kết qua ngàn năm kinh nghiệm thưởng trà. 
Còn tam bôi – tứ bình là gì? Đó chính là chén uống trà.

Trong bộ trà cụ, chén uống trà được lựa chọn rất kỹ, thường có hai bộ để thay đổi.

Chén uống trà chọn loại chén nhỏ, kiểu chén hột mít.

Một bộ thường có bốn chén nhỏ (chén quân) và một chén tống, là loại chén cao, khá lớn, có nắp đậy vừa đủ chứa một bình nước trà, dùng để chuyên trà.

Khi pha trà, chuyển từ bình trà ra chén tống, từ chén tống rót sang các chén quân.

Nếu không có chén tống, rót trà trực tiếp từ bình ra chén quân, trà phải được rót hai lần, rót hết một lượt với khoảng một nữa chén trà, sau đó mới quay lại rót tiếp.

Trà rót vào các chén quân, lúc đầu trà nhạt, sau ra trà nước đậm hơn, do đó, việc rót trà hai lần này có ý nghĩa tất cả các ly trà đều đậm đà như nhau. 

Vdt02912

Ấm để pha trà cũng là cả một nghề chơi tinh tế, thông thường, nên có hai loại ấm, ấm “độc ẩm” và ấm “song ẩm”, ấm nên mua loại ấm vừa, không nên to quá.

Những loại bình quý và đắt tiền pha trà ngon được dân gian đúc kết “thứ nhất Thái Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”.
Người chơi dùng bình quý không bao giờ rửa bình bằng xà bông hay các loại nước rửa bát có hóa chất, chỉ dùng nước lạnh cọ rửa, cọ sơ bên trong và bên ngoài rồi tráng lại bằng nước sôi. 
Cần lưu ý, trước khi pha trà, phải tráng bình bằng nước sôi, khi pha trà, bỏ trà vào bình, rót nước sôi cho ngập mặt trà, đổ nước đầu tiên, bước này gọi là rửa trà, quan niệm dân gian đúc kết “rượu tam, trà nhị”, trà nước nhị mới ngon, sau đó đổ nước gần đầy bình, đợi khoảng 1-2 phút là có thể thưởng trà. 
Người xưa quan niệm, ấm trà quý phải là ấm được dùng thường xuyên hằng ngày, cái hồn cái tinh túy của trà thấm đượm vào trong ấm, đó mới chính là giá trị nhân văn ẩn sâu của trà.
Ngũ quần anh ( hay còn gọi là bạn trà) – Bạn rượu có thể dễ tìm, nhưng bạn trà rất khó để tìm được người tâm giao.

Nguyễn Tuân nhận định: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”.

Bạn trà tâm giao là người bạn tri kỷ, đồng quan điểm trong cuộc sống hằng ngày, có thể chia sẻ mọi điều phiền muộn, chia sẻ về thế sự, con người, về nghệ thuật, về thời cuộc,… thậm chí có thể mạn đàm bên ấm trà cả ngày về một loại trà mới.

Khi rót trà, phải theo nguyên tắc tôn ti, tôn trọng người lớn tuổi trong văn hóa Việt Nam, mời người lớn tuổi trước, nguyên tắc hiếu khách của người Việt ưu tiên mời khách trước, chủ sau “châm trà” ngay khi chén trà vơi, thưởng trà đúng nghĩa thì trà được rót ra phải thưởng ngay khi còn nóng, tránh để nguội sẽ mất đi vị trà và mất đi hương của chén trà. 
Ngoài bạn trà, không gian thưởng trà cũng quan trọng không kém, làm nên giá trị của nghệ thuật thưởng trà.

Theo Vũ Thế Ngọc, mạn đàm bên bình trà trong đêm trăng, hay ngắm thuyền bè qua lại trên sông, khi trời mưa nhỏ, trong rừng tre trúc, trong không gian vườn, khi hoa nở, chim hót vào đầu xuân,… có tri kỷ, có trà ngon trong không gian phù hợp với tâm trạng nhàn nhã, thanh tịnh sẽ làm cho việc thưởng trà ngon hơn, cảm nhận về triết lý nhân văn của trà sâu sắc hơn. 

Tất cả các công đoạn trong nghệ thuật thưởng trà như: hái trà, nguồn nước, chọn trà, trà cụ, uống trà đều thấm đẫm giá trị tinh hoa của một nền văn hóa nông nghiệp truyền thống Việt Nam. 

Thưởng trà
Trà đại diện cho sự tế nhị, sự thanh tao, trầm mặc để suy ngẫm,… vì vậy khi thưởng trà, tâm hồn phải thanh tịnh, nhẹ nhàng khi đang bận rộn công việc hoặc không gian đông người, ồn áo náo nhiệt sẽ không thích hợp cho việc thưởng trà.

Thưởng trà cần phải trong một không gian yên tĩnh, lắng đọng, có thể xem “thiền trà” là nghệ thuật thưởng trà đạt đến cảnh giới.
Thưởng trà cần nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức hương vị của trà, thưởng trà là thú chơi tao nhã của người Việt.

Thưởng trà cũng có những nguyên tắc bất thành văn: như tính tôn ti (rót trà cho người lớn tuổi trước), tính hiếu khách (tiền khách, hậu chủ), tính mực thước (không uống nhiều, không uống quá đặc, không uống liên tục), trọng tình cảm (bạn trà, bạn tri kỷ, ưa tế nhị hài hòa).

Huong Dan Pha

 

Xem thêm tất cả các sản phẩm tại đây:

0/5 (0 Reviews)
0/5 (0 Reviews)

Yang Đỗ có duyên đến với trà Việt và đang trên hành trình kế thừa và gìn giữ những giá trị văn hóa trà Việt, mình mong muốn học hỏi và nhận được đóng góp chia sẻ để lan tỏa, mọi vấn đề về thông tin nội dung và hình ảnh quý bạn đọc có thể bình luận và phản hồi với Yang, trân trọng và biết ơn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *